1. Khái niệm chế độ tài sản của vợ chồng.

Theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì có hai chế độ tài sản của vợ chồng là chế độ tài sản theo thỏa thuận và chế độ tài sản theo quy định của pháp luật.

Chế độ tài sản của vợ chồng là toàn bộ những quy định về việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ (chồng), quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và việc phân chia tài sản.

Tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 được hiểu là tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn, tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.

Tài sản riêng của vợ chồng theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 là tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng.

Nguồn ảnh: Internet

Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ tài sản chung. Thỏa thuận về việc chia tài sản chung phải lập thành văn bản. Văn bản này được công chứng theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật. Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung của vợ chồng là thời điểm do vợ chồng thỏa thuận và được ghi trong văn bản; nếu trong văn bản không xác định thời điểm có hiệu lực thì thời điểm có hiệu lực được tính từ ngày lập văn bản. Trong trường hợp tài sản được chia mà theo quy định của pháp luật, giao dịch liên quan đến tài sản đó phải tuân theo hình thức nhất định thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực từ thời điểm việc thỏa thuận tuân thủ hình thức mà pháp luật quy định. Trong trường hợp Tòa án chia tài sản chung của vợ chồng thì việc chia tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Nếu không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc chia tài sản chung của vợ chồng theo quy định tại Điều 59 của Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Thỏa thuận về chế độ tài sản của vợ chồng bị vô hiệu nếu vi phạm các nguyên tắc, nội dung được quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP.

  1. Đăng kí tài sản chung của vợ chồng.

Căn cứ theo quy định tại Điều 12 Nghị định 126/2014/NĐ-CP tài sản chung của vợ chồng phải đăng ký theo quy định bao gồm quyền sử dụng đất, những tài sản khác mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sử dụng, quyền sở hữu.

 Đối với tài sản chung của vợ chồng đã được đăng ký và ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì vợ chồng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng đất để ghi tên của cả vợ và chồng.

 Trong trường hợp tài sản chung được chia trong thời kỳ hôn nhân mà trong giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi tên cả vợ và chồng thì bên được chia phần tài sản bằng hiện vật có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký tài sản cấp lại giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cơ sở văn bản thỏa thuận của vợ chồng hoặc quyết định của Tòa án về chia tài sản chung.

  1. Nhập tài sản riêng vào tài sản chung.

Pháp luật quy định vợ, chồng có quyền nhập hay không nhập tài sản riêng vào tài sản chung của vợ chồng. Việc nhập tài sản là nhà ở, quyền sử dụng đất hoặc những tài sản có giá trị lớn thuộc sở hữu riêng của một bên vào tài sản chung phải được lập thành văn bản, có chữ kí của vợ và chồng, văn bản đó được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật. Nếu người có tài sản riêng nhập tài sản của mình vào tài sản chung nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản thì việc nhập tài sản đó vào tài sản chung là vô hiệu.

  1. Quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung:

Vợ chồng bình đẳng với nhau trong việc xây dựng, phát triển khối tài sản chung và bình đẳng trong việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản chung. Theo quy định tại Điều 35 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Điều 13 Nghị định 126/2014/NĐ-CP vợ chồng có quyền thỏa thuận chiếm hữu, định đoạt, tài sản chung.

“1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.

Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:

a) Bất động sản;

b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;

c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình”

Quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ, quản lý, bảo vệ tài sản chung. Vợ chồng cùng quản lý, nắm giữ tài sản chung. Vợ chồng có thể uỷ quyền cho nhau trong việc chiếm hữu tài sản chung. Người được uỷ quyền có toàn quyền chiếm hữu tài sản chung của vợ chồng. Trong trường hợp vì lý do nào đó mà cả vợ và chồng đều không thể chiếm hữu tài sản chung thì vợ chồng có thể ủy quyền cho người khác chiếm hữu tài sản chung theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản. Trên nguyên tắc bình đẳng, việc sử dụng tài sản chung để đầu tư, kinh doanh phải được vợ chồng bàn bạc, thoả thuận. Nếu vợ chồng uỷ quyền cho nhau trong việc sử dụng tài sản chung thì người được uỷ quyền có toàn quyền sử dụng tài sản chung vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hoa lợi, lợi tức thu được từ việc khai thác công dụng của tài sản là tài sản chung của vợ chồng.

Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản hoặc từ bỏ quyền sở hữu đó. Việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của vợ chồng là bất động sản, là động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu hoặc tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình thì phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng. Văn bản phải có chữ ký của cả vợ chồng, văn bản đó có thể được công chứng, chứng thực. Neu vợ chồng ủy quyền cho nhau trong việc định đoạt tài sản chung thì người được ủy quyền có toàn quyền định đoạt tài sản chung mà không cần phải bàn bạc, thoả thuận với bên kia. Vợ, chồng phải chịu trách nhiệm liên đới đối với những giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của vợ chồng nhằm để phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu hàng ngày của gia đình.

Nguồn ảnh: Internet

Nghĩa vụ chung của vợ chồng đối với tài sản:

Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có thể có những khoản nợ, bồi thường thiệt hại… mà vợ chồng có nghĩa vụ thực hiện, gọi là nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng. Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

  • Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập (như vay tài sản, thuê tài sản…);
  • Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
  • Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
  • Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
  • Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình. Ví dụ: Ngôi nhà là tài sản riêng của vợ, tiền cho thuê nhà là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình. Khi cần sửa chữa nhà thì chi phí sửa nhà được xác định là nghĩa vụ chung về tai sản của vợ chồng;
  • Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật Dân sự thì cha mẹ phải bồi thường như: Bồi thường thiệt hại do con chưa thành niên gây ra;
  • Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.
  1. Quyền và Nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản riêng.

Theo quy định tại Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 đối với tài sản riêng, vợ chồng có quyền:

  • Quyền chiếm hữu: vợ, chồng tự quản lý tài sản riêng. Trong trường họp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó.
  • Quyền sử dụng: vợ, chồng có quyền sử dụng tài sản của mình để đáp ứng các nhu cầu cá nhân hoặc thỏa thuận cùng sử dụng tài sản riêng của mỗi bên nhằm đáp ứng nhu cầu chung của gia đình. Vì lợi ích chung của gia đình, pháp luật quy định trong trường hợp tài sản chung của vợ chồng không đủ để đảm bảo đời sống chung của gia đình thì người có tài sản riêng phải có nghĩa vụ đóng góp tài sản riêng của mình để phục vụ nhu cầu chung của gia đình. Những tài sản đã chi dùng cho gia đình thì người có tài sản không được quyền đòi lại.
  • Quyền định đoạt: về nguyên tắc, vợ chồng có quyền tự mình định đoạt tài sản riêng mà không phụ thuộc vào ý chí của người kia. Tuy nhiên, quyền định đoạt tài sản riêng của vợ hoặc chồng có thể bị hạn chế trong trường hợp hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng là nguồn sống duy nhất của gia đình thì muốn định đoạt tài sản đó phải có sự thoả thuận của cả vợ và chồng.

Nghĩa vụ riêng đối với tài sản của vợ chồng được quy định tại Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 gồm:

  • Nghĩa vụ của mỗi bên vợ, chồng có trước khi kết hôn;
  • Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sấn riêng (trừ trường hợp nghĩa vụ phát sinh trong việc bảo quản, duy trì, tu sửa tài sản riêng của vợ, chồng mà hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đó là nguồn sống duy nhất của gia đình và nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình).
  • Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do một bên xác lập, thực hiện không vì nhu cầu của gia đình;
  • Nghĩa vụ phát sinh từ hành vi vi phạm pháp luật của vợ hoặc chồng.

Trên đây là bài viết tư vấn của Công ty TNHH Nhung & Cộng sự về các vấn đề liên quan tới quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng. Nếu còn bất cứ băn khoăn hay thắc mắc nào khác liên quan đến vấn đề này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn về vấn đề của bạn.

Thông tin liên hệ:

  • Hotline: 0906040745
  • Fanpage: Công ty Luật TNHH Nhung & Cộng sự
  • Email: luatsuthachhuynhnhung@gmail.com

Chúng tôi luôn sẵn sàng cung cấp dịch vụ chuẩn bị hồ sơ ly hôn và nhận ủy quyền tham gia quá trình giải quyết việc, vụ việc ly hôn theo yêu cầu của khách hàng.

Chúng tôi cam kết bảo mật toàn bộ thông tin mà bạn đã cung cấp để đảm bảo tối đa quyền lợi cho khách hàng.