Khi ly hôn, một trong những vấn đề gây khó khăn của các cặp vợ chồng là giải quyết vấn đề về con chung và mức cấp dưỡng  nuôi con sau khi ly hôn. Thực tế xảy ra rất nhiều trường hợp mặc dù có bản án/quyết định ly hôn của Tòa án quy định về mức cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn nhưng người phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng lại cố tình trốn tránh không thực hiện đầy đủ. Trong trường hợp đó, vợ hoặc chồng đang là người trực tiếp nuôi con cần phải làm gì để buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn phải thực hiện nghĩa vụ của mình?

  1. Cấp dưỡng là gì? Quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn

Cấp dưỡng được hiểu là việc “một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu” theo khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Sau khi ly hôn, cha, mẹ không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Bởi lẽ, mặc dù cha mẹ ly hôn, chấm dứt hợp pháp mối quan hệ hôn nhân nhưng quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con chưa thành niên; con đã thành niên nhưng mất khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình không bị thay đổi.

Nguồn ảnh: Internet

  1. Mức cấp dưỡng, phương thức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn

Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý.

Như vậy, pháp luật hiện hành không quy định cụ thể mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn là bao nhiêu mà sẽ phụ thuộc vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng. Nếu như hai bên không thỏa thuận được mức cấp dưỡng nuôi con thì Tòa án sẽ quyết định một mức cấp dưỡng hợp lý căn cứ vào điều kiện thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu tối thiểu của người được cấp dưỡng. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Về phương thức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn được quy định tại Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Theo đó, việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, hàng năm hoặc một lần. Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành nêu trên, vợ/chồng hiểu rõ hơn về nghĩa vụ của cha mẹ đối với con và mức cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn để từ đó tự thỏa thuận với nhau về một mức cấp dưỡng hợp lý hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết để đảm bảo tối đa quyền và lợi ích chính đáng của con.

  1. Làm gì khi đối phương không cấp dưỡng?

a, Chưa có bản án/quyết định của Tòa án về việc cấp dưỡng

Trường hợp ly hôn không yêu cầu Tòa án giải quyết về quyền nuôi con chung và nghĩa vụ cấp dưỡng mà người không sống cùng con không thực hiện việc cấp dưỡng cho con thì người kia có quyền khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để đòi người có nghĩa vụ phải cấp dưỡng cho con theo quy định tại khoản 5 Điều 28 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 và khoản 1 Điều 11 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Hồ sơ khởi kiện:

  • Đơn khởi kiện về cấp dưỡng;
  • Giấy tờ tùy thân của vợ chồng;
  • Sổ hộ khẩu của vợ chồng;
  • Quyết định/Bản án ly hôn;
  • Chứng cứ chứng minh thu nhập của người không sống cùng con;
  • Bản sao có chứng thực giấy khai sinh của con.

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết: Tòa án nhân dân cấp huyện nơi bị đơn thường trú hoặc tạm trú.

Thủ tục giải quyết khởi kiện tranh chấp cấp dưỡng:

Người có quyền khởi kiện tự mình hoặc ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền.

Trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn, Tòa án thực hiện xem xét hồ sơ khởi kiện. Nếu hồ sơ khởi kiện chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ, Tòa án hướng dẫn cho người nộp hồ sơ để điều chỉnh. Nếu hồ sơ khởi kiện đầy đủ và hợp lệ, Tòa án sẽ thực hiện thụ lý vụ án.

Sau khi thụ lý vụ án, Chánh án Tòa án nhân dân có thẩm quyền thực hiện phân công Thẩm phán giải quyết.

Trong thời hạn từ 04-06 tháng tiếp theo, Tòa án thực hiện các thủ tục cần thiết để chuẩn bị xét xử bao gồm lập hồ sơ, thu thập chứng cứ, hòa giải,…

01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án nhân dân có thẩm quyền mở phiên tòa giải quyết tranh chấp về cấp dưỡng.

Nguồn ảnh: Internet

b, Đã có bản án/quyết định của Tòa án

Trong trường hợp cha hoặc mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con theo bản án/quyết định của Tòa án nhưng cố tình không thực hiện thì người đang trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Cơ quan thi hành án dân sự áp dụng các biện pháp cần thiết để buộc người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo bản án/quyết định của Tòa án.

Hồ sơ yêu cầu thi hành án

  • Đơn yêu cầu thi hành án (Mẫu D04 Thông tư 01/2016/TT-BTP hướng dẫn thực hiện một số thủ tục về quản lý hành chính và biểu mẫu nghiệp vụ trong thi hành án dân sự);
  • Bản án/quyết định ly hôn có hiệu lực pháp luật (Bản sao chứng thực);
  • Tài liệu thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án (nếu có);
  • Các giấy tờ, tài liệu cần thiết khác (nếu có).

Cơ quan có thẩm quyền giải quyết: Cơ quan thi hành án cấp quận, huyện hoặc tỉnh nơi Tòa án ra bản án/quyết định ly hôn có trụ sở.

Thủ tục yêu cầu thi hành án:

Người có yêu cầu tự mình hoặc ủy quyền cho người khác yêu cầu thi hành án đến Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền bằng một trong các hình thức sau: (i) nộp đơn hoặc trực tiếp trình bày bằng lời nói tại cơ quan thi hành án dân sự; (ii) gửi đơn qua bưu điện.

Cơ quan thi hành án dân sự tiếp nhận và xem xét đơn yêu cầu cùng tài liệu liên quan ghi nhận vào sổ thi hành án và thông báo bằng văn bản cho người yêu cầu.

Trường hợp từ chối thi hành án, Cơ quan thi hành án dân sự phải thông báo cho người yêu cầu trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn yêu cầu.

Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án. Sau khi ra quyết định thi hành án, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phân công Chấp hành viên thực hiện các trình tự thủ tục thi hành án.

Chấp hành viên tiến hành gửi Quyết định về thi hành án trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản cho đương sự, người có quyền, nghĩa vụ liên quan để họ thực hiện quyền, nghĩa vụ theo nội dung của văn bản đó.

Thời hạn tự nguyện thi hành án của người phải thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên tiến hành xác minh điều kiện thi hành án.

Hết thời hạn tự nguyện thi hành án, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án (có tài sản) mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.

Chấp hành viên sẽ thực hiện các quy trình thủ tục định giá, bán đấu giá tài sản của người phải thi hành án để thi hành án cho người yêu cầu.

Như vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con sau ly hôn là nghĩa vụ của cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi dưỡng con chung. Trong trường hợp cha hoặc mẹ không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ này theo bản án/quyết định của Tòa án thì người đang trực tiếp nuôi con có thể yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật buộc người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ của mình.

Trên đây là bài viết tư vấn của Công ty TNHH Nhung & Cộng sự về các vấn đề liên quan tới nghĩa vụ cấp dưỡng của vợ hoặc chồng khi ly hôn. Nếu còn bất cứ băn khoăn hay thắc mắc nào khác liên quan đến vấn đề này, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được tư vấn về vấn đề của bạn.

Thông tin liên hệ:

  • Hotline: 0906040745
  • Fanpage: Công ty Luật TNHH Nhung & Cộng sự
  • Email: luatsuthachhuynhnhung@gmail.com

Chúng tôi luôn sẵn sàng cung cấp dịch vụ chuẩn bị hồ sơ ly hôn và nhận ủy quyền tham gia quá trình giải quyết việc, vụ việc ly hôn theo yêu cầu của khách hàng.