Bạn muốn ly hôn nhưng không biết tài sản chung của vợ chồng sẽ được giải quyết như thế nào? Thời gian bao lâu? Dưới đây là bài viết của Công ty luật TNHH Nhung và Cộng sự để giải đáp các vấn đề mà bạn đang thắc mắc.
1. Chưa giải quyết xong việc chia tài sản thì không được ly hôn?
- Đúng
- Sai
2. Ai là trụ cột kinh tế sẽ được chia nhiều tài sản hơn?
- Tòa không bao giờ can thiệp
- Ai kiếm nhiều tiền hơn sẽ được chia nhiều tài sản hơn
- Chia đôi, có tính đến hoàn cảnh gia đình, đóng góp mỗi người
- Luôn chia đều
3. Nhà tự mua bằng tiền riêng, không có đóng góp của vợ, khi ly hôn có phải chia?
- Không phải chia
- Phải chia
4. Ly hôn có phải chia quỹ đen?
- Không phải chia
- Phải chia
5. Chồng lấy tiền của vợ khi đang ly thân có bị coi là trộm cắp tài sản?
- Có
- Không
- Chỉ khi chứng minh được đó là tài sản riêng vợ tự làm ra
6. Chưa trả hết nợ chung, có được ly hôn?
- Trả hết nợ chung mới được ly hôn
- Vẫn được ly hôn, sau ly hôn, cả hai vẫn có nghĩa vụ cùng trả nợ
7. Chồng ngoại tình dẫn đến ly hôn thì được chia tài sản chung ít hơn vợ?
- Sai
- Đúng
8. Chồng vay nợ, sau khi ly hôn, vợ vẫn phải cùng trả?
- Sai
- Đúng
- Tùy trường hợp
9. Cha mẹ ly hôn, các con cũng được chia tài sản?
- Sai
- Đúng
ĐÁP ÁN:
1. Khi chưa phân định tài sản, vợ chồng vẫn có thể tiến hành ly hôn. Hai người có quyền tự thỏa thuận với nhau về tài sản chung, riêng.
Nếu không thỏa thuận được, vợ chồng có thể yêu cầu tòa án phân chia ngay trong đơn ly hôn. Nếu trong đơn không đề cập vấn đề này, tài sản đó vẫn thuộc sở hữu chung của vợ chồng.
Sau khi ly hôn, nếu có tranh chấp về tài sản chung, hai bên đều có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.
2. Khi ly hôn, vợ chồng có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề trong đó có cả việc phân chia tài sản. Tài sản chung khi ly hôn có thể được chia theo thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được và một trong hai bên hoặc cả hai người có yêu cầu thì Tòa án sẽ giải quyết theo quy định.
Pháp luật ghi nhận sự bình đẳng giữa lao động xã hội và lao động gia đình, không phân biệt người ra ngoài kiếm tiền hay người ở nhà làm công việc nội trợ. Dù một bên tạo ra thu nhập thấp hơn vẫn được coi là lao động tương đương. Do vậy, khi ly hôn, tài sản chung của hai vợ chồng sẽ được chia đôi.
Khoản 1 điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tạo ra thu nhập thấp hơn. Điều này phù hợp với mục đích ban đầu của nam nữ khi tiến tới hôn nhân, đó là cùng nhau quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ trong cuộc sống trên mọi phương diện.
Tòa án sẽ xét các yếu tố hoàn cảnh gia đình, công sức đóng góp của mỗi người hoặc lỗi vi phạm quyền, nghĩa vụ vợ chồng để phân chia một cách hợp lý.
3. Nếu vợ/chồng mua nhà bằng tài sản riêng, không có đóng góp của chồng/vợ thì không phải chia khi ly hôn. Pháp luật quy định, tài sản riêng của vợ/chồng là:
– Tài sản có trước khi kết hôn
– Tài sản được thừa kế riêng, được cho tặng riêng trong thời kỳ hôn nhân
– Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ hoặc chồng.
Về nguyên tắc, khi ly hôn tài sản riêng của ai sẽ thuộc quyền sở hữu của người đó. Song nếu tài sản có sau khi kết hôn, vợ/chồng phải chứng minh đó là tài sản riêng của mình.
Việc chứng minh tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân không dễ dàng. Vợ/ chồng phải có căn cứ chứng minh tài sản đó được mua hoàn toàn bằng tiền mình kiếm được, không có sự giúp sức hay đóng góp cải tạo, sửa chữa gì của vợ/chồng. Nếu có đủ căn cứ chứng minh tài sản riêng, vợ/chồng sẽ không phải chia khi ly hôn.
Tuy nhiên, nếu vợ/chồng có bỏ công sức khởi xây dựng, cải tạo, sửa chữa hoặc sắm sửa đồ dùng gia đình, người vợ/chồng có quyền yêu cầu được bù đắp tương ứng với phần công sức đã bỏ ra.
4. Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình quy định, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản vợ chồng được thừa kế, tặng cho chung; quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng…
Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung.
Do đó, “quỹ đen” mà vợ/chồng có là tài sản chung của vợ chồng. Trường hợp ly hôn mà vợ/chồng biết và có yêu cầu chia, tòa án sẽ tiến hành chia đôi, có tính đến các yếu tố hoàn cảnh gia đình, công sức đóng góp của mỗi người, lỗi của mỗi bên lhi vi phạm quyền, nghĩa vụ vợ chồng…
5. Đối với tài sản vợ chồng, pháp luật quy định có tài sản chung và tài sản riêng.
Với tài sản chung, vợ chồng có quyền quản lý, sử dụng, định đoạt ngang nhau, khi ly hôn thì sẽ chia theo nguyên tắc chia đôi có xét các yếu tố liên quan hoàn cảnh.
Tài sản riêng là tài sản có trước hôn nhân hoặc tài sản có trong thời kỳ hôn nhân do được tặng cho riêng, thừa kế riêng, có nguồn gốc từ tài sản riêng hoặc có thỏa thuận là tài sản riêng.
Về nguyên tắc, tài sản riêng của ai thì sẽ do người đó quản lý, sử dụng, định đoạt. Hành vi xâm phạm trái pháp luật đến tài sản riêng sẽ bị xử lý bằng các chế tài của pháp luật. Đối với vụ việc này, thông thường sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Vợ chồng đang ly thân, nếu vợ chứng minh được số tài sản bị chồng lấy là tài sản riêng của chị, thì người chồng có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Trộm cắp tài sản.
Song nếu kết quả xác minh cho thấy đây là tài sản chung vợ chồng hoặc không có căn cứ cho thấy người đàn ông đã lén lút để chiếm đoạt tài sản thì sẽ không có căn cứ xử lý.
6. Pháp luật về hôn nhân và gia đình không bắt buộc vợ, chồng phải trả hết các khoản nợ mới được xem xét cho ly hôn.
Sau ly hôn hai người có nghĩa vụ như nhau trong việc trả nợ, trừ trường hợp vợ chồng và chủ nợ (ngân hàng) có thỏa thuận khác.
Trường hợp vợ chồng có tranh chấp về việc trả nợ cho ngân hàng thì một trong các bên có quyền yêu cầu tòa án giải quyết việc phân chia (về nguyên tắc khoản nợ chung được chia đôi, trừ trường hợp các bên và chủ nợ có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác).
Khi tòa án giải quyết tranh chấp, ngân hàng sẽ tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
7. Căn cứ điểm d khoản 2 điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình, điểm d khoản 4 điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn.
8. Để xác định bạn có phải trả nợ không, cần xem xét thời điểm phát sinh nợ và mục đích vay.
Nếu chồng bạn vay nợ với mục đích chi tiêu cá nhân, lô đề cờ bạc,… chồng bạn có trách nhiệm phải trả. Cho dù khoản nợ phát sinh trong thời kỳ hôn nhân, bạn cũng không có trách nhiệm phải trả khoản nợ này.
Nếu khoản vay của người chồng phục vụ mục đích chung như sửa chữa nhà cửa, đóng học cho con,.. khi ly hôn, bắt buộc cả hai người phải thực hiện việc trả nợ.
Đối với các khoản nợ chung, vợ chồng bạn có thể tự thỏa thuận hoặc thỏa thuận với người cho vay. Hai người nên lập một bản thỏa thuận bằng văn bản, có người làm chứng hoặc công chứng để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ sau này. Trường hợp không thể thỏa thuận, hai bên có thể yêu cầu tòa án giải quyết.
9. Việc phân chia tài sản khi ly hôn chỉ thực hiện với phần tài sản của hai vợ, chồng và theo thỏa thuận của hai vợ chồng (nếu có). Do đó, khi ly hôn, vợ, chồng chia tài sản chung không liên quan đến tài sản của con cũng như người con sẽ không tham gia vào quá trình chia tài sản của cha, mẹ.
Tuy nhiên, sau khi vợ, chồng thực hiện xong thủ tục phân chia tài sản khi ly hôn, một trong hai hoặc cả hai có thể tặng cho con phần tài sản mà mình được hưởng hoặc để lại di chúc cho con sau khi cha, mẹ chết.
Leave A Comment